Huyện Lạc Dương đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc
Phát huy lợi thế về diện tích đất đồi rừng, trong những năm qua, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tận dụng tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, mở rộng quy mô theo hướng gia trại, trang trại… Từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương, tạo điều kiện giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.
Lạc Dương là huyện miền núi, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên huyện xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là trọng tâm; trong đó, chú trọng khai thác lợi thế sẵn có như đồng cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, nhân lực... để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp. Cùng với xây dựng các mô hình và thực hiện đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, huyện còn tạo điều kiện và khuyến khích người dân đưa con giống tốt, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi; tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm… Trong những năm qua, huyện đã hỗ trợ 158 con bò vàng sinh sản cho 158 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bên cạnh hỗ trợ con giống, các hộ còn được Nhà nước hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, các hộ còn được cơ quan chuyên môn tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật về chăm sóc và phòng bệnh cho bò giúp bò sinh trưởng và phát triển tốt.
Để đảm bảo sức đề kháng cho vật nuôi, hàng năm, huyện triển khai các đợt tiêm phòng. Đồng thời, củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh. Nhất là vào thời điểm giao mùa, dễ xảy ra các dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn của huyện đã chú trọng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn bà con làm tốt biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc… Thống kê giai đoạn năm 2016-2020, huyện Lạc Dương đã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 959 triệu đồng tiền công tiêm phòng vắc xin và tiêu độc khử trùng; hơn 463 triệu đồng tiền chi cho các hoạt động khác. Cụ thể, huyện Lạc Dương đã tổ chức tiêm phòng gồm: 98.700 liều vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; 48.800 liều vắc xin dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn heo. Đồng thời, tiến hành phun 4.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi hộ gia đình, khu vực chợ thực phẩm tươi sống… Nhờ nắm vững kỹ thuật trong chăn nuôi, thời gian qua, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Lát mặc dù xuất hiện dịch bệnh ở đàn vật nuôi, song đã được kiểm soát kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 10.500 con gia súc, trong đó có gần 2.000 con trâu và trên 4.800 con bò.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động nông dân tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò ở những vùng có lợi thế về đồng cỏ, nâng tỷ lệ đàn trâu, bò trên tổng đàn của địa phương, đưa các sản phẩm chăn nuôi trở thành hàng hóa lớn, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, từng bước đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành hướng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và làm giàu hiệu quả, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp chiếm 4,5%.
Hy vọng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, bà con nông dân, tổng số đàn vật nuôi trên địa bàn huyện sẽ ngày càng tăng, giá trị chăn nuôi cũng ổn định và tăng trưởng; từng bước xây dựng các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, có điều kiện đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Phạm Phương - Trung tâm VH, TT và TT huyện Lạc Dương